100%

1. Điều kiện tự nhiên:
          - Vị trí địa lý: Thạch Thành là huyện miền núi nằm ở phía Tây bắc tỉnh Thanh Hoá, trung tâm huyện cách thành phố Thanh Hóa 58km, phía bắc – tây bắc giáp các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình); phía đông bắc giáp huyện Nho Quan (Ninh Bình), phía tây giáp huyện Cẩm Thuỷ và huyện Bá Thước, phía nam giáp huyện Vĩnh Lộc, phía đông giáp huyện Hà Trung. Theo điều tra thổ nhưỡng của Sở Ðịa chính, phần lớn chất đất ở đây rất thích hợp cho phát triển cây công nghiệp, đây là tiềm năng thế mạnh vô cùng quý giá của Thạch Thành trong quá trình phát triển kinh tế. Ngoài ra, Thạch Thành còn có mạng lưới giao thông thuận lợi với tuyến đường quốc lộ 45, tỉnh lộ 47 nối các huyện trong tỉnh, đi thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung, huyện Vĩnh Lộc, huyện Cẩm Thuỷ, tạo điều kiện cho Thạch Thành giao thương với các huyện trong tỉnh và cả nước. Ðặc biệt, với tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua vùng đệm của rừng quốc gia Cúc Phương và được Bộ Giao thông Vận tải xác định là "điểm dừng chân" đã tạo cho Thạch Thành lợi thế phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch.
Bản đồ hành chính huyện Thạch Thành
          - Địa hình : Thạch Thành có diện tích tự nhiên là 55.811ha. Trong đó: đồng bằng 9.120 ha (13.3%); đồi bãi 9.600ha (16%); đồi núi cao 31.785ha (53.4%).
          Thạch Thành có đầy đủ đặc điểm điển hình của địa hình miền núi đá vôi, đồi đất của miền trung du và đồng ruộng của đồng bằng. Địa hình Thạch Thành được hình thành bởi các lòng máng lớn kề nhau xuôi theo hướng bắc – tây bắc và thấp dần về phía nam, tạo cho Thạch Thành có nhiều thuận lợi là địa bàn giao lưu kinh tế của các vùng trong tỉnh.
          - Khí hậu: Thạch Thành nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên khí hậu khắc nghiệt cả 4 mùa trong năm, tuy nhiên là huyện miền núi nên chịu ảnh hưởng khí hậu miền Bắc nhiều hơn miền trung và do đó có đặc điểm riêng của tiểu vùng là khí hậu nóng ẩm với hai mùa rõ rệt: mùa hè và mùa đông. Mùa hè chịu ảnh hưởng của gió Tây (gió Lào), mùa đông chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc; nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 220C, cao hơn nhiệt độ trung bình của cả nước là 0,50C; lượng mưa trung bình ở Thạch Thành hàng năm từ 1.500 - 1.700 mm.
          - Tài nguyên sinh vật: Nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên hệ sinh thái cũng mang đặc điểm chung của vùng rừng nhiệt đới, lại giáp với vành đai của rừng quốc gia Cúc Phương nên hệ động, thực vật huyện Thạch Thành rất phong phú và đa dạng. Có nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam như: Hổ, Báo, Hươu, Nai, Gấu, Voọc quần đùi trắng, Gà Lôi, Yểng, Họa Mi... Thảm rừng thực vật đa dạng phong phú có nhiều loại thuộc nhóm gỗ quý: Lát, lim, sến, táu, đinh hương, nhiều loại cây thuốc quý chữa bệnh, cây làm nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ...
          2. Kinh tế:
          Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện có bước phát triển vượt bậc; từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, độc canh cây lúa, kinh tế chậm phát triển; với cơ cấu kinh tế  năm 1992: Nông nghiệp 94%; Công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp 2,61%; Thương mại 3,39%. Thạch Thành đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đô thị để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững kinh tế. Đến năm 2018 cơ cấu kinh tế của Huyện Thạch Thành là: Nông- lâm nghiệp 18,7%, công nghiệp - xây dựng 49,3%, thương mại - dịch vụ 32%.  Thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng nhanh: Năm 1996 là 1,2 triệu; năm 2000 là 2,3 triệu; năm 2012 là 17,8 triệu; năm 2018 là 35,2 triệu đồng/người/năm. 
          Trên lĩnh vực nông nghiệp Sản lượng lương thực giai đoạn 1976 - 1980 đạt bình quân 14,7 nghìn tấn, giai đoạn 1981- 1985 đạt bình quân 19,3 nghìn tấn, năm 1995 đạt 31 nghìn tấn; đến năm 2016 mặc dù đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, nhưng sản lượng lương thực đã vượt trên 64.618 tấn. Đặc biệt huyện đã quy hoạch và phát triển vùng cây ăn quả tập trung theo quy mô lớn ứng dụng khoa học công nghệ cao, hơn 1 nghìn ha, hiện nay trong vùng quy hoạch đã trồng  hơn 400ha các loại cây ăn quả; toàn huyện có hơn 2600 ha cây ăn quả cả tập trung và phân tán, trong đó có hơn 1 nghìn ha trồng tập trung:  Cam, bưởi 433ha; Dứa 574 ha; Ổi 76 ha; Thanh long 72 ha; Mắc ca 58 ha…diện tích cây ăn quả của huyện đứng đầu toàn tỉnh. 
          Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi từ trước những năm 1990 toàn huyện chỉ có 1 tuyến đường nhựa, 8 công trình thủy lợi, 03 hồ đập lớn, chỉ đảm bảo chủ động tưới cho khoảng gần 2.000 ha; đến nay đường liên xã toàn huyện có 98% được nhựa hóa, đường liên thôn đạt 65% cứng hóa, hoàn thành hệ thống cầu qua sông Bưởi. Hệ thống thủy lợi đã được cứng hóa 320 km, 29 trạm bơm, 63 hồ đập, chủ động tưới cho sản xuất nông nghiệp.  Năm 1976 Thạch Thành mới có điện lưới quốc gia, năm 1993 có 11 xã có hệ thống điện lưới quốc gia, năm 2009 toàn huyện đã có 100%  xã, thôn có điện lưới quốc gia. 
          3. Văn hóa - xã hội:
          Dân số huyện Thạch Thành năm 2019 là 149.320 người,  gồm 2 dân tộc là dân tộc Kinh và dân tộc Mường (dân tộc Kinh 51%, dân tộc Mường 47% , 0,2% là dân tộc khác).
          Theo nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu, người Kinh và người Mường ở đây vốn chung nguồn gốc và là người bản địa. Tuy nhiên qua những biến cố lịch sử khác nhau nên các bộ tộc dòng họ là người Kinh người Mường từ nhiều nơi khác nhau của các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình; các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc đã về đây cư trú. Thực tế lịch sử đã chứng minh qua các địa danh tên mường, tên bản, tên tổng, tên làng; qua các gia phả dòng họ đều cho thấy một số dòng họ nay là người Kinh, nhưng gốc xa xưa là người Mường. Trong gia phả họ Lưu Vĩnh và Lưu Quang nay ở xã Thạch Bình, Thạch Định có nói tổ tiên xưa của dòng họ vốn là họ Quách ở Mường Đủ. Ông tổ của họ đã "đem binh Mường đến Tây Đô giúp vua,  hỗ trợ xây lũy đắp thành". Khi triều Hồ thất bại, để tránh giặc Minh trả thù tàn sát, nên phải đổi họ, đổi tên, phiêu tán tránh giặc. Cũng có tài liệu nói rằng một số dòng họ ở Thạch Thành ngày nay là người Mường nhưng tổ tiên trước đây của họ là người Kinh từ các miền đồng bằng xa xôi khác nhau đã về Thạch Thành quần tụ sinh cơ lập nghiệp. Họ chung sống gắn bó với người Mường và chuyển hóa thành người Mường. Thạch Thành trước kia dân tộc Mường chiếm phần lớn tỷ lệ dân số trong huyện. Từ những năm kháng chiến chống Pháp, đồng bào các tỉnh khu III tản cư vào Thạch Thành; những năm sau hòa bình lập lại ở miền Bắc dân cư từ nhiều nơi về đây xây dựng 4 nông - lâm trường quốc doanh trong huyện, nhất là những năm đầu thập kỷ 60 đồng bào các huyện miền xuôi lên Thạch Thành xây dựng kinh tế và Việt kiều từ Thái Lan trở về đây sinh sống nên đến nay dân tộc Mường và dân tộc Kinh ở Thạch Thành chiếm tỷ lệ gần ngang nhau.
          Dù là người bản địa hay nơi khác đến, hai dân tộc Mường - Kinh ở Thạch Thành đều có chung tổ tiên là người Lạc - Việt, có truyền thống đoàn kết gắn bó keo sơn. Truyền thống đó được hun đúc nên trong suốt quá trình lịch sử nhân dân Thạch Thạch chống giặc ngoại xâm và chống thiên tai khắc nghiệt. Ngày nay người Kinh, và người Mường ở Thạch Thành sống chan hòa với nhau cùng một gia đình, trong cùng một thôn xóm, làng ngõ, họ cùng nhau bảo vệ và xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Với hai dân tộc Kinh và Mường đương nhiên ở Thạch Thành cũng tồn tại và phát triển song song hai nền vă hóa Kinh - Mường. Hai dòng văn hóa ấy giao hoà và tác động lẫn nhau tạo nên văn hóa Việt - Mường phong phú và đa dạng. Ngày nay, nhân dân các dân tộc huyện Thạch Thành vẫn lưu giữ một số nét văn hóa tiêu biểu như: thờ cúng (thờ Thành hoàng làng), nghi lễ cúng, bái thần linh (phụng nghinh – có ở lễ hội Đình Mường Đòn), Lễ khao Ông Thượng thuyền, Lễ mộc dục, tục giáo hiếu, ăn chạ, tục cưới xin của người mường, Tục ăn cơm mới, Tục làm vía...  Trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân Thạch Thành, có loại hình văn học truyền miệng. Đó là những bài ca dao, câu đố, tục ngữ, truyện kể, thơ ca như: "Đẻ đất, đẻ nước", chuyện “Nàng Nga - Hai Mối”; chuyện "Út Lót - Hồ Liêu". Người Mường còn có: Xường bộ mệnh, hát đối, hát đúm, ném còn, sắc bùa, cồng chiêng… là những loại hình nghệ thuật rất độc đáo. Tuy nhiên, việc tổ chức điền dã, sưu tầm, phát triển các loại hình nghệ thuật trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, chưa có hệ thống, khiến cho kho tàng nghệ thuật dân gian có dấu hiệu bị mai một. Điều đó đòi hỏi sự quan tâm đồng bộ của các ngành chức năng để các loại hình nghệ thuật này được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tốt nhất.
          Những năm qua, Đảng bộ huyện luôn quan tâm phát triển lĩnh vực văn hoá - xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hoá, cơ quan, thôn bản, khu phố văn hoá đã đem lại hiệu quả thiết thực. Toàn huyện đã có 95% đơn vị khai trương xây dựng đơn vị văn hóa, 76% đơn vị được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa;  84% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đã có 19,8% công dân, 25,6% gia đình được công nhận công dân, gia đình kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Bản sắc văn hoá được bảo tồn, các di tích danh thắng, di tích lịch sử văn hóa như Di tích Chiến khu Ngọc Trạo đã được đầu tư xây dựng; Hang Con Moong,  Đền Phố Cát, đền Tam Thánh, Đền thờ Tống Duy Tân, Chùa Cảnh Yên - Cảnh Tĩnh …đang được từng bước trùng tu tôn tạo và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả nhằm thúc đẩy tiềm năng du lịch và đáp ứng một phần nhu cầu đời sống tâm linh cho nhân dân. Văn hóa làng xã được chú trọng gìn giữ thông qua các lễ hội truyền thống, ngày hội làng, ngày hội đại đoàn kết của các khu dân cư và các bữa cơm truyền thống của làng.
          Công tác giáo dục được quan tâm, chất lượng dạy và học ngày được nâng lên, cơ sở vật chất được đầu tư Cơ sở vật chất, trường lớp học được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại hoá. Từ những năm 1982 các cấp học trong toàn huyện chưa đủ số trường, lớp học còn tạm bợ bằng nhà tranh tre, tỷ lệ học sinh thi đậu các trường cao đẳng, đại học với tỷ lệ rất thấp, đến nay đã có 86% số phòng học được xây dựng kiên cố, huyện có 4 trường THPT, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là  62,6  %, tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng hàng năm cao, chất lượng giáo dục của huyện nhiều năm dẫn đầu 11 huyện miền núi, năm 2018 thi học sinh giỏi bậc THPT trường THPT Thạch Thành I xếp  thứ 5/109 trường THPT toàn tỉnh.
          Về y tế, trong những năm 1990 toàn huyện chỉ có 2-3 bác sỹ; bệnh viện chưa được đầu tư đủ các trang thiết bị thiết yếu, phục vụ cho việc khám chữa bệnh; các trạm xá xã chưa có bác sỹ. Đến năm 2010, toàn huyện đã có 68 bác sỹ, 100% các trạm y tế cơ sở có bác sỹ, 100% số trạm y tế được kiên cố và đạt chuẩn quốc gia giai đoại 1, đến nay huyện có 100% xã đã hoàn thành chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2( xếp trong tốp đầu của tỉnh cả 2 giai đoạn). Bệnh viện đa khoa được đầu tư xây dựng mới khang trang và hiện đại.
          Chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội được quan tâm góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo là 42,6% đến năm 2010 giảm xuống còn 11,1% theo tiêu chí cũ, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 7,38%. Phong trào thi đua chung tay xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả ban đầu, đến nay toàn huyện có 9 xã, 67 thôn đạt xã, thôn nông thôn mới.

°