Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023

Ngày 11/5, UBND huyện Thạch Thành đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2022 (PCTT, TKCN & PTDS) ; triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Toàn cảnh hội nghị.

Đồng chí Đinh Văn Hưng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện. Trưởng Ban chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS huyện; đồng chí Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS huyện; Trưởng các phòng, ban,  đoàn thể cấp huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị: Ban Chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện, Chi cục Thống kê, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Sông Chu chi nhánh Thạch Thành, Điện lực Thạch Thành, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng CSXH huyện; Trạm Thủy văn Kim Tân; Lãnh đạo Hạt Quản lý đê Vĩnh Lộc, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

Theo đó, năm 2022 trên  địa bàn huyện Thạch Thành đã chịu ảnh hưởng của 4 đợt nắng nóng; 01 đợt rét đậm, rét hại; 02 đợt mưa lớn. Thiên tai đã gây thiệt hại cho 153,3 ha cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó: Gây ngập úng, hư hỏng 86,39 ha lúa, 31,9 ha ngô và hoa màu đang ở thời kỳ thu hoạch; 26,7 ha mía mới trồng; 8,31 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và một số tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 7.678,6 triệu đồng. Tuy nhiên, Huyện uỷ, UBND huyện luôn có sự chủ động, chỉ đạo sát sao, kịp thời và quyết liệt cùng với sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Ban Chỉ huy PCTT, TKCN &PTDS huyện, các xã, thị trấn, sự tham gia phối hợp có hiệu quả của các ban, ngành, đơn vị liên quan theo phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai nên đã góp phần làm giảm thiểu thiệt hại thiên tai, tổ chức phòng, tránh kịp thời, an toàn và khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất.

Đồng chí Đinh Văn Hưng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS huyện và đồng chí Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì hội nghị.

Trong năm, huyện tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ ban Chỉ huy PCTT, TKCN &PTDS tỉnh và các sở ngành cấp tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành công tác PCTT&TKCN, bố trí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa các công trình đê điều, hồ đập để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vận còn những tồn tại, hạn chế đó là:  Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh thiên tai còn hạn chế. Một số nơi sự chỉ đạo của chính quyền còn buông lỏng chưa nghiêm túc, việc xây dựng công trình nhà cửa, đào ao trong phạm vi an toàn đập, đê điều; việc trồng cỏ, hoa màu trên thân đê và hành lang bảo vệ đê vẫn còn xảy ra như: Thị trấn Kim Tân, Thạch Định. hầu hết các vụ vi phạm chưa thực hiện áp dụng hình thức xử phạt hành chính nên còn thiếu tính răn đe.Công tác chuẩn bị vật tư của một số xã chưa đầy đủ như các xã Thành Yên, Ngọc Trạo... Một số xã chấp hành chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất còn chậm, báo cáo không đầy đủ, chưa chính xác, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, theo dõi và chỉ đạo, điều hành.

Tại hội nghị, Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung  thảo luận, phân tích đánh giá làm rõ những kết quả đã đạt được cũng như nêu lên những tồn tại hạn chế, khó khăn,  vướng mắc và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác PCTT và TKCN năm 2023, đặc biệt là công tác gia cố, sửa chữa cải tạo, nâng cấp các tuyến đê trước mùa mưa lũ.

Đồng chí Đinh Văn Hưng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS huyện phát biểu kết luận.

Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Văn Hưng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS huyện đề nghị các cấp các ngành, các địa phương phải khẩn trương quyết liệt thực hiện tốt bốn phương châm tại chỗ và cơ chế vận hành chỉ huy thống nhất.

Đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đồng chí Chủ tịch UBND huyện đề nghị các cấp các ngành, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện 5 nhóm nội dung, biện pháp như sau: Thứ nhất, yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Tiếp tục rà soát kiện toàn lại ban chỉ huy và phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho từng thành viên; điều chỉnh bổ sung kế hoạch phương án có thiên tai ở từng địa phương đơn vị sát với tình hình thực tế tại địa phương; tổ chức tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, thời gian hoàn thành xong trước ngày 20/5/2023.

Thứ hai, tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá lại các công trình phòng chống thiên tai. Nhất là các công trình xung yếu có nguy cơ cao, mất an toàn để có phương án khắc phục khi cần thiết. Báo cáo đề xuất những vấn đề vượt khả năng, thẩm quyền. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án, đầu tư phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Đối với những công trình đang được giao thì đề nghị với các chủ đầu tư  phối hợp với ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện cũng như  các nhà thầu thi công để mà xây dựng các biện pháp để bảo vệ tài sản tài sản trong mùa mưa bão sắp tới.

Thứ ba là Trạm khí tượng thủy văn Kim Tân thực hiện tốt công tác dự báo cảnh báo thiên tai đặc biệt là mưa lũ một cách kịp thời chính xác nhằm củng cố đầy đủ, kịp thời các thông tin về thiên tai. Trong công tác chỉ huy, điều hành, tránh bị động cho các cấp chính quyền và nhân dân trong việc ứng phó với thiên tai.

Thứ tư, các đồng chí thành viên ban chỉ huy các cấp phải tăng cường nắm bắt tình hình địa bàn được phân công phụ trách kịp thời phát hiện giải quyết những vấn đề phát sinh hoặc báo cáo cấp thẩm quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Thứ năm đối với UBND các xã, thị trấn tiếp tục ăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hình thức thông tin phải đa dạng, nội dung thông tin phải đảm bảo nhanh, gọn, kịp thời đến đông đảo bà con nhân dân, đặc biệt là những thông tin cảnh báo sớm, để phục vụ tốt nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và phải huy động sức mạnh toàn dân trong việc phòng chống thiên tai, sử dụng nguồn lực tại chỗ. Khi có tình huống sự cố về thiên tai xảy ra,  phải cương quyết trong việc di dân, di dời để đảm bảo tài sản, tính mạng cho nhân dân. Đồng thời cắt cử lực lượng để chốt chặn tại các vị trí xung yếu những vị trí nguy hiểm để phòng chống những rủi ro tai nạn có thể xảy ra. Thực hiện nghiêm về chế độ thông tin báo cáo, đảm bảo nhanh, kịp thời, chính xác đến ban chỉ huy để  xin ý kiến chỉ đạo và xử lý kịp thời. Các địa phương phải chủ động đảm bảo đầy đủ về vật tư, nhân lực, từ lực lượng canh gác đến vật tư nhân lực, sẵn sàng ứng cứ xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra./.

T/h: Bùi Hương – Quang Trị