Ngọc Trạo những ngày sang thu

Đăng ngày 21 - 09 - 2015
100%

(THO) - Về Chiến khu Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành) trong những ngày cả tỉnh đang hân hoan hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, chúng tôi được ngắm nhìn những ngôi nhà bình yên phía dưới chân núi và các hiện vật thiêng liêng, gần gũi tại phòng truyền thống của Di tích lịch sử Chiến khu Ngọc Trạo. Cảm xúc ấy gợi cho chúng tôi nhớ về sự kiện chiến khu Ngọc Trạo cách đây 74 năm qua những trang sử sách.

 Vào những năm 1940 – 1941, Ngọc Trạo là  bản của đồng bào dân tộc Mường, chỉ có 43 hộ dân được phân bố khắp thung lũng. Nơi đây có vị trí đặc biệt quan trọng và khá thuận lợi nên được Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định chọn Ngọc Trạo làm căn cứ địa cách mạng của tỉnh. Đêm 19-9-1941 tại hang Treo, trong ánh đuốc bập bùng và dưới lá cờ đỏ sao vàng, đội du kích Ngọc Trạo – tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập với 21 chiến sĩ trước sự có mặt của đồng chí đặc phái viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Đây là một trong những đội du kích thoát ly sớm nhất sau khi triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) đánh dấu bước ngoặt về sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở Thanh Hóa. Với lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân Ngọc Trạo đã hết lòng đùm bọc, che chở cho các chiến sĩ cách mạng, bí mật quyên góp lương thực, muối, vải, tiền để rèn đúc vũ khí, ủng hộ du kích, động viên con cháu gia nhập lực lượng tự vệ, du kích ở chiến khu. Nhiều cơ sở cách mạng đã nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ và du kích như những người ruột thịt trong gia đình, chia sẻ từng cọng rau, bát cơm, manh áo...

 

Một tuần sau đó, đội du kích Ngọc Trạo đã phát triển lên tới 40 người, sau 1 tháng lên tới 83 người và được biên chế thành 2 trung đội. Mỗi trung đội gồm một tiểu đội súng, một tiểu đội dao kiếm, tổ trinh sát, tổ y tế, tổ hậu cần. Đầu tháng 10 - 1941, hơn 100 chiến sĩ tự vệ được tuyển từ 3 huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân được tập kết tại làng Đa Ngọc (thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Định) nhưng bị địch phát hiện và đã huy động lính khố xanh truy quét lực lượng này. Tiếp đó, chúng mở một chiến dịch bao vây và tiến công vào chiến khu Ngọc Trạo hòng “xóa sổ” căn cứ địa cách mạng khi còn trong “trứng nước”. Cuộc chiến đấu giữa đội du kích Ngọc Trạo và bọn lính khố xanh diễn ra hết sức ác liệt. Nhưng do quân địch đông (có đến 500 tên) được trang bị súng hiện đại nên đội quân du kích đã anh dũng hy sinh một số đồng chí. Nhận thấy tình hình nguy cấp, tối ngày 25-10-1941, ban chỉ huy chiến khu đã quyết định cho toàn đội quân du kích vượt vòng vây tập kết tại đình làng Cẩm Bào (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) để bảo toàn lực lượng.

 

Chiến khu Ngọc Trạo bị tan rã, các chiến sĩ Ngọc Trạo phần lớn bị bắt, tù đày, số ít thoát được vẫn tham gia hoạt động bí mật. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, để rồi tinh thần ấy ngày càng lan tỏa khắp mọi miền quê trong tỉnh, trở thành ngọn lửa thổi bùng lên phong trào cách mạng của các dân tộc tỉnh Thanh trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 - 1945.

 

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, con em xã Ngọc Trạo  luôn phát huy truyền thống anh hùng, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng no ấm. Những năm gần đây, kinh tế đã có bước tăng trưởng nhanh hơn nhờ năng động chuyển đổi mô hình trồng trọt, các  lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh – quốc phòng ổn định, phát triển. Ngọc Trạo hôm nay đã có nhiều nhà cửa kiên cố, khang trang kề nhau chứ không rải rác như trước đây. Con em Ngọc Trạo cũng được đầu tư học hành, học làm kinh tế. Thế nên hộ nghèo giảm từ 27,2% (2010) xuống  còn 7,4% (2014). Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và nâng cao ý thức tự hào dân tộc, chính quyền xã Ngọc Trạo luôn quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng thời phối hợp với các nhà trường tổ chức nhiều buổi ngoại khóa, giúp các em hiểu hơn về lịch sử của dân tộc và của quê hương.

 

Bên cạnh niềm vui được chứng kiến những đổi thay trên quê hương sau nhiều năm đổi mới, chúng tôi cũng nhận được đề xuất, kiến nghị của các đồng chí lãnh đạo xã với Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, bởi người dân nơi đây nhìn chung vẫn còn nghèo, họ mới được hưởng lợi về văn hóa tinh thần. Vì vậy, trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020), địa phương mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của tỉnh, của huyện để đời sống của những dân tộc anh em Kinh – Mường trên mảnh đất chiến khu năm xưa ngày càng phát triển.

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Thông báo kết quả điểm xét tuyển lao động hợp đồng làm giáo viên năm 2024 theo Nghị định...(18/03/2024 4:24 CH)

    Thông báo thời gian triệu tập sát hạch xét tuyển lao động hợp đồng làm giáo viên năm 2024(12/03/2024 11:12 SA)

    Huyện Thạch Thành tiễn đưa 229 thanh niên lên đường thực hiện NVQS năm 2024(26/02/2024 3:44 CH)

    Các đồng chí lãnh đạo huyện dâng hoa, dâng hương nhà sàn truyền thống tưởng niệm Bác Hồ, viếng...(07/02/2024 2:15 CH)

    Thông báo xét tuyển lao động hợp đồng làm giáo viên năm 2024(31/01/2024 11:10 SA)

    Thông báo kết quả điểm xét tuyển Chỉ huy trưởng BCH Quân sự cấp xã(29/01/2024 3:19 CH)

    Đồng chí Đinh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện thăm, tặng quà tết các cụ 100 tuổi và gia đình chính...(27/01/2024 2:31 CH)

    Tặng 100 suất quà tết cho hộ nghèo huyện Thạch Thành(23/01/2024 2:44 CH)

    Triệu tập, sát hạch phỏng vấn xét tuyển Chỉ huy trưởng BCH Quân sự cấp xã trên địa bàn huyện...(19/01/2024 3:17 CH)

    Thông báo nội dung ôn tập trong phỏng vấn, xét tuyển Chỉ huy trưởng BCH Quân sự cấp xã trên địa...(18/01/2024 3:12 CH)

    Phê duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện tham dự (vòng 2) phỏng vấn trong kỳ xét tuyển, tuyển...(17/01/2024 3:09 CH)

    Thạch Thành: Tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và phát huy giá trị di tích - lịch...(14/12/2023 11:16 CH)

    °