Huyện Thạch Thành bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường

Đăng ngày 20 - 01 - 2021
100%

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường được huyện Thạch Thành xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt.

Trình diễn đánh cồng chiêng là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thành.

Một trong những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường huyện Thạch Thành, vẫn còn được bảo tồn cho tới ngày nay là nhà sàn. Nhiều gia đình dân tộc Mường vẫn còn giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống, tập trung chủ yếu tại các xã Thạch Lâm, Thạch Tượng. Đặc biệt, ở một số thôn như thôn Đăng, thôn Thượng, thôn Nghéo (xã Thạch Lâm) gần như 100% là nhà sàn. Ngoài ra, hiện vẫn còn một số ngôi nhà sàn có tuổi đời gần 100 năm.

Một nét đặc sắc nữa của văn hóa dân tộc Mường huyện Thạch Thành là trang phục truyền thống. Xưa kia, nam giới mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Đây là loại áo cánh ngắn phủ kín mông. Quần lá tọa ống rộng, dùng khăn thắt giữa bụng còn gọi là khăn quần. Trong lễ hội dùng áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác đôi áo chúng đen dài tới gối, cài cúc nách và sườn phải. Bộ y phục nữ đa dạng hơn nam giới. Khăn đội đầu là một mảnh vải trắng hình chữ nhật không thêu thùa, yếm, áo cánh (phổ biến là màu trắng) thân rất ngắn, thường xẻ ở ngực và váy dài đến mắt cá chân, gồm hai phần chính là thân váy và cạp váy. Cạp váy nổi tiếng bởi các hoa văn được dệt kỳ công. Trang sức gồm vòng tay, chuỗi hạt và bộ xà tích 2 hoặc 4 dây bạc, có treo hộp quả đào và móng vuốt hổ, gấu bịt bạc. Trang phục truyền thống của người phụ nữ vẫn được đồng bào mặc khi tham gia các sự kiện lớn, quan trọng như liên hoan văn hóa, hội làng, tế lễ hoặc các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ.

Ngoài ra còn nhiều nét văn hóa đặc sắc khác, đã gắn bó từ lâu với đời sống, sinh hoạt và lao động của đồng bào dân tộc Mường huyện Thạch Thành như: nghề dệt vải, ép mật mía, làm nỏ, làm điếu, nghề đan mây tre... Ẩm thực truyền thống của người Mường Thạch Thành cũng rất phong phú và đặc sắc, trong đó phải kể đến xôi ngũ sắc, canh loóng, canh đắng, măng đắng, cơm lam, thịt lợn bày lá chuối, ốc đá, măng khô, thịt trâu nấu lá lồm... Các món ăn này hiện vẫn được duy trì trong các bữa ăn hàng ngày, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, tiếp khách hoặc trong sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào. Các lễ hội, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của người Mường cũng đa dạng và đặc sắc. Tiêu biểu như: mo Mường, hát Xéc bùa, xường Mường, hát Mường, lễ hội Mường Đòn, lễ Khai hạ, lễ Kỳ phúc, hát mừng cơm mới, lễ dựng Cây Nêu, tung còn, đánh mảng, tục cưới hỏi, ma chay, tục ăn tết lại, tục kết chạ, làm vía... Các lễ hội, trò chơi, dân ca, dân vũ này vẫn được bảo lưu trong cộng đồng và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần - tín ngưỡng của đồng bào.

Đặc biệt, hiện 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện hoàn thành việc khảo sát, điều tra loại hình hát ru Mường. Trong đó có 12 xã còn tồn tại hát ru Mường, còn người truyền dạy và còn người học hát. Hát ru Mường có 4 làn điệu khác nhau: u hạy, dạ ơi dạ óm, ru ngày, ru đêm. Người Mường ru con ban ngày một làn điệu khác và ru đêm bằng một làn điệu khác; còn làn điệu u hạy và dạ ơi dạ óm, họ thường dùng cả ban ngày lẫn ban đêm. Cả bốn làn điệu ru đều được thể hiện bằng những giai điệu mượt mà, uyển chuyển, du dương liền bậc. Hát ru là điệu hát mà người già, người trẻ, nam hay nữ đều có thể hát được. Hiện nay trên địa bàn huyện Thạch Thành còn khoảng hơn 30 người biết hát ru Mường. Cùng với việc bảo tồn các làn điệu hát ru, tháng 6-2020, UBND huyện Thạch Thành phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa mở lớp tập huấn “Bảo tồn, phục dựng diễn tấu Séc Bùa, diễn tấu Trống Dàm dân tộc Mường”. Qua đó, các học viên đã được tiếp thu những kiến thức, diễn tấu cồng chiêng trong lễ hội Séc Bùa của dân tộc Mường; truyền dạy phường bùa, Khoát Rác, một số làn điệu dân ca Mường (ru Mường, xường Mường...), cách thức đánh trống và biểu diễn Trống Dàm...

Bà Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành, cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, huyện tiếp tục dành sự quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Tổ chức khảo sát, sưu tầm, lập hồ sơ khoa học và phổ biến rộng rãi trong Nhân dân về các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, nhất là các di sản văn hóa đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Mở các lớp tập huấn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cho cán bộ văn hóa các cấp và cho đồng bào dân tộc thiểu số. Có các chính sách để tôn vinh, hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, những người cao tuổi còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Tổ chức liên hoan văn hóa các dân tộc trong huyện vào các dịp lễ, tết, Ngày Di sản văn hóa, Ngày Đại đoàn kết toàn dân. Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó từng bước nâng cao trình độ văn hóa và nhận thức của Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Mường.

<

Tin mới nhất

Thông báo về việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Kiến...(21/03/2024 1:55 CH)

Thông báo kết quả điểm xét tuyển lao động hợp đồng làm giáo viên năm 2024 theo Nghị định...(18/03/2024 4:24 CH)

Hội thảo tổng kết 03 năm thực hiện Dự án “Nông nghiệp chống với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng”(16/03/2024 2:28 CH)

Thông báo thời gian triệu tập sát hạch xét tuyển lao động hợp đồng làm giáo viên năm 2024(12/03/2024 11:12 SA)

Huyện Thạch Thành tiễn đưa 229 thanh niên lên đường thực hiện NVQS năm 2024(26/02/2024 3:44 CH)

Các đồng chí lãnh đạo huyện dâng hoa, dâng hương nhà sàn truyền thống tưởng niệm Bác Hồ, viếng...(07/02/2024 2:15 CH)

Thông báo xét tuyển lao động hợp đồng làm giáo viên năm 2024(31/01/2024 11:10 SA)

Thông báo kết quả điểm xét tuyển Chỉ huy trưởng BCH Quân sự cấp xã(29/01/2024 3:19 CH)

Đồng chí Đinh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện thăm, tặng quà tết các cụ 100 tuổi và gia đình chính...(27/01/2024 2:31 CH)

Tặng 100 suất quà tết cho hộ nghèo huyện Thạch Thành(23/01/2024 2:44 CH)

Triệu tập, sát hạch phỏng vấn xét tuyển Chỉ huy trưởng BCH Quân sự cấp xã trên địa bàn huyện...(19/01/2024 3:17 CH)

Thông báo nội dung ôn tập trong phỏng vấn, xét tuyển Chỉ huy trưởng BCH Quân sự cấp xã trên địa...(18/01/2024 3:12 CH)

°