Cần xây dựng Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)

Đăng ngày 02 - 05 - 2024
100%

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã bảo đảm được yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, hỗ trợ đắc lực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình triển khai thi hành Luật vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng được tình hình hiện nay, đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, nhất là các nội dung sau:

(1) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang quy định 30 Điều về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo các loại giấy tờ liên quan đến hồ sơ pháp lý, các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy tờ tùy thân của người đến liên hệ. Do đó, để thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ trên và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công

(2) Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước trên thế giới có cho, tặng, viện trợ một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định này trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

(3) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định giấy phép quản lý sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thời gian 05 năm, sau khi hết thời hạn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp đổi; bên cạnh đó, một số loại công cụ hỗ trợ (dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao, quả nổ, bình xịt hơi cay,…) được cấp giấy xác nhận đăng ký không có thời hạn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thấy các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã được cấp giấy phép sử dụng không có sự thay đổi về chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, quản lý, sử dụng; hàng năm cơ quan quản lý cấp phép thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị; trong khi đó, việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí, thời gian, nhân lực; giấy phép sử dụng và giấy xác nhận đều là loại giấy phép do cơ quan quản lý cấp cho các cơ quan, tổ chưc, doanh nghiệp sử dụng để thực hiện nhiệm vụ với quy trình, thủ tục cấp tương tự như nhau. Vì vậy, để việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ bảo đảm thống nhất bằng một loại giấy phép thì cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.

(4) Một số quy định về việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã gặp một số khó khăn, vướng mắc sau: Việc quy định tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu trên cơ sở đề án nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ; chưa có quy định về việc đăng lý sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất, sử dụng tại Việt Nam; việc quy định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp chưa phù hợp với Luật Quy hoạch; việc quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp gây khó khăn cho các đơn vị sử dụng; chưa có quy định về điều chỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nên gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện khai thác khoáng sản khi có thay đổi về điều kiện địa chất, thiết kế khai thác; quy định giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho 01 lượt vận chuyển gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi sử dụng không hết vật liệu nổ phải xin phép vận chuyển về kho. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho phù hợp với thực tiễn.

(5) Thực tế tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ, các loại dao diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước; việc sửa đổi, bổ sung khái niệm về vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng bỏ khái niệm vũ khí thô sơ, súng săn; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khái niệm vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; bổ sung khái niệm về dao có tính sát thương cao sẽ xử lý hình sự ngay các hành vi vi phạm về các loại vũ khí này đáp ứng yêu cầu công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, bất cập trên thì cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới./.

 

<

Tin mới nhất

Công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024(07/02/2025 10:53 SA)

Đổi mới tuyên truyền phổ biến giáo dục Pháp luật tại cơ sở(10/11/2024 8:48 CH)

Cơ sở chính trị và pháp lý xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...(06/05/2024 8:07 SA)

Cần xây dựng Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)(02/05/2024 11:12 SA)

Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân...(01/03/2024 11:25 SA)

Công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật n ăm 2023(07/02/2024 8:34 SA)

Quyết định công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022(03/02/2023 9:54 CH)

Quy định mới về đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật(26/07/2021 10:03 CH)

10 lưu ý với cán bộ, công chức, viên chức khi sử dụng mạng xã hội(15/07/2021 9:21 SA)

Hỏi – đáp về bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026(05/03/2021 10:10 CH)

Một số quy định của pháp luật mà cử tri cần biết về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân...(01/03/2021 10:06 CH)

Quyết định công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020(25/01/2021 10:22 CH)

°
1059 người đang online